image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Bài Tuyên truyền phân loại chất thải rắn ( rác ) sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã Lê Lợi
Lượt xem: 5

Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người. Như chúng ta đã biết, Rác hữu cơ những phần thực phẩm thừa, cá thịt….. hay các loại rau củ trong bữa ăn hàng ngày. Rác vô cơ những loại rác không thể sử dụng và cũng không thể tái chế được bao gồm các loại vỏ sò, vỏ ốc, đồ cao su, ly, chén, cốc, bình thủy tinh bị vỡ, gỗ, đá, gạch,…nếu chúng ta chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau Rác vô cơ mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. 

Thực tế hiện nay Rác thải chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Việc xử lí rác thải là một vấn đề khách quan và rất cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng đã trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng không chỉ bởi người dân và một số cơ sở thường xuyên xả các loại nước thải ra môi trường mà còn là do rác thải gây ô nhiễm nguồn nước gây ra.

Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác bao gồm:  thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi hoặc thùng rác mà không cần biết trong đó Rác thải có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người

Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.

* Ý nghĩa của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn:

- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến.

- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm.

- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn làm giảm lượng tỷ lệ chất thải rắn trơ chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường.

- Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng.

* Tác hại của việc không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

- Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý lớn.

- Hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt chưa phân loại rất khó xử lý hiệu quả.

- Diện tích đất cần sử dụng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp tăng nhanh.

- Không tận dụng được tài nguyên từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt, ví dụ như: chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng giúp tiết kiệm khai thác nguyên liệu tự nhiên; chất thải thực phẩm làm phân compost và các chất thải rắn sinh hoạt còn lại có thể đốt thu năng lượng.

- Gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí.

- Tốn nhiều chi phí xử lý, cải tạo đất để sử dụng lại sau khi đóng cửa bãi chôn lấp.

* Các Quy định pháp luật

- Tại Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.

- Tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.

b) Chất thải thực phẩm.

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

- Tại Khoản 3 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

b) Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

- Tại Khoản 4 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:

a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

d) Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

- Tại Khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 75 của Luật này.

- Tại Khoản 5 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

- Tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Có thể nói, việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.

Hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm./.

* Khẩu hiệu truyên truyền

- Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp – Hãy phân loại rác tại nguồn

- Phân loại rác tại nguồn – Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

- Phân loại rác tại nguồn – Hãy hành động ngay hôm nay

- Rác không được phân loại chỉ là rác – Rác được phân loại là tài nguyên

- Rác thải sinh hoạt là tài nguyên. Hãy phân loại ngay tại nhà

- Chung tay phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vì một huyện Nghi Xuân xanh-sạch-đẹp

- Vì một môi trường không có rác – Hãy bỏ rác đúng nơi quy định

- Xả rác hôm nay – Gánh nặng ngày mai

- Tái chế rác sinh hoạt – Vì một tương lai tốt đẹp hơn

-  Rác không phân loại  – Sẽ không được thu gom

- Phân loại rác tại nguồn là bảo vệ môi trường

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới